Bướng bỉnh, không nghe lời chính là tính cách đặc trung ở mỗi đứa trẻ. Vì chúng còn nhỏ, chưa hiểu mọi thứ xung quanh mình và luôn muốn được chiều chuộng nên khi người lớn không làm theo ý thích của trẻ, các bé sẽ có xu hướng khó chịu và tỏ thái độ phản đối.
Đây là tình trạng khá phổ biến ở mỗi gia đình có con nhỏ, nhưng nếu người lớn tìm ra nguyên nhân khiến trẻ không chịu nghe lời có phương pháp để dạy trẻ, thì việc thay đổi tính cách ở bé sẽ dễ dàng hơn.
Nguyên nhân trẻ con thường bướng bỉnh:
Nuông chiu quá mức:
Các phụ huynh có con nhỏ thường có suy nghĩ “con còn nhỏ chưa biết gì”, nên thường hay nuông chiu con quá mức, con đòi gì cũng thực hiện theo và không phân biệt đúng sai cho con trẻ. Việc này vô hình chung tạo cho trẻ phản xạ cứ yêu cầu là được đáp ứng, sau này vô thức nếu con không được đáp ứng thì trở nên không nghe lời, bướng bỉnh.
Việc nuông chiu như thế sẽ vô thức lập trình cho trẻ suy nghĩ rằng cái gì con muốn thì sẽ đạt được dù đúng hay sai, nên một khi yêu cầu không được đáp ứng, bé rất khó chấp nhận, có hành động phản kháng, ăn vạ để đạt mong muốn.
Cha mẹ gây áp lực cho con và không làm gương:
Khi dạy các bé ở độ tuổi nhỏ, phụ huynh thường muốn đòi hỏi những điều vượt qua khả năng của bé vì sợ con thua thiệt bạn bè mà ít quan tâm đến cảm xúc của con trẻ, vì thế bé đương nhiên sẽ không thực hiện được và làm trái lời của cha mẹ. Dạy trẻ con là vừa cần sự nghiêm túc nhưng cũng phải có sự yêu thương và thấu hiểu suy nghĩ của con, nếu người lớn dạy con nhưng sử dụng quá nhiều đòn roi hay ép buộc trẻ thái quá thì rất có thể trẻ sẽ có thái độ phản kháng lại.
Ngoài ra, việc làm gương cho con cũng rất quan trọng. Trẻ con thường thích bắt chước các hành vi của người lớn một cách vô tư vì không phân biệt được đúng sai. Vì thế nếu cha mẹ chưa có những cư xử đúng đắn thì khó có thể đòi hỏi con ngoan ngoãn, lễ phép vì chưa làm gương được cho con.
Trẻ bị tác động bởi môi trường xung quanh:
Ngoài cách dạy dỗ trong gia đình, thì các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến tính cách của con trẻ là điều không tránh khỏi. Vì trẻ cần phải được ra ngoài tiếp xúc học hỏi để phát triển bản thân nên việc học được những thói hư tật xấu hay lời hay lẽ phải là điều tự nhiên cho sự trưởng thành của con. Vì vậy ngay từ đầu, cha mẹ cần tạo cho con một môi trường tốt có những ảnh hưởng tích cực đến trẻ để con phát triển về tư duy cũng như cách ứng xử phải phép.
Những nguyên tắc dạy con biết nghe lời:
Vì thế để dạy con ngoan từ nhỏ, cha mẹ cần có những nguyên tắc và phương pháp phù hợp để từ từ rèn giũa con trẻ. Vì trẻ nhỏ như một tờ giấy trắng, người lớn chính là người vẽ lên tờ giấy đó nên phải cẩn thận để hình thành tính cách tốt sau này cho con.
Kỷ luật rõ ràng và nhất quán:
Kỷ luật là một nguyên tắc cơ bản nhất trong việc dạy trẻ dù bướng bỉnh hay vâng lời, từ truyền thống cho đến hiện đại. Phụ huynh nên lập ra những quy tắc để con trẻ nghe và làm theo thì theo thời gian trẻ sẽ có nề nếp sống tuân theo kỷ luật và dễ dàng khuyên bảo hơn.
Khi đã đặt ra một qui định hoặc giới hạn nào đó cho trẻ thì phụ huynh cần lưu ý phải có sự rõ ràng nhất quán và phù hợp với con. Hãy cố gắng thể hiện một cách rõ ràng và đừng thay đổi nó, điều này sẽ giúp trẻ hiểu được, ghi nhớ và tạo thành thói quen.
Tôn trọng quyền và nghĩa vụ của trẻ:
Trẻ em cũng là một cá nhân riêng biệt, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng, nên dù trẻ có làm sai thì cha mẹ cũng không được cư xử thái quá như đánh đập hay mắng nhiếc. Vì điều này sẽ tạo cho trẻ một bóng đen tâm lý, ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trẻ con luôn học qua bắt chước nên khi người lớn tôn trọng trẻ, thì con sẽ học cách tôn trọng người khác.
Yêu thương và khen thưởng:
Khi con bạn đã biết nghe lời, tuân theo quy định thì việc dành những lời khen thưởng cho con là một điều cần thiết vì trẻ sẽ thấy bản thân mình đã làm được việc tốt và có động lực để phát huy các hành vi tích cực và tạo thành thói quen tốt. Trẻ sẽ phát triển tốt hơn và tự nhiên nhất khi được sống trong một môi trường luôn có sự khuyến khích, công nhận thành tích và sự yêu thường đến từ các thành viên trong gia đình.
Nếu như trẻ có làm sai hoặc có thái độ chưa phải phép với người lớn, bạn đừng nên cáu giận hay quát mắng trẻ, điều đó sẽ làm trẻ sợ và làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Đừng luôn tạo áp lực cho con, thay vào đó các thành viên cùng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau dựa trên tình yêu thương gia đình. Đây là nguyên tắc cuối cùng cũng là quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái hình thành tính cách tốt cho sau này.
Hào Nguyễn