Trẻ trong lứa tuổi mầm non, tiểu học thường không biết điều chỉnh cảm xúc nên khi thích cái gì thì phải đòi cho bằng được, đôi lúc sẽ thể hiện thái độ tức giận, lầm lì khi muốn chống đối điều gì đó. Vì thế, nếu gia sư có nhận lớp với học trò có tính cách mạnh như thế, trước tiên bạn hãy nắm bắt tâm lý, tính tình và giai đoạn phát triển của trẻ để có phương pháp dạy trẻ lì lợm hiệu quả.
Trẻ lì lợm, bướng bỉnh do đâu?
Tính cách lì lợm, bướng bỉnh ở trẻ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tác động từ môi trường bên ngoài và từ bản chất bên trong. Thông thường do các lí do sau:
– Trẻ tỏ ra bướng bỉnh vì muốn được quan tâm và nhận được sự chú ý.
– Trong một số trường hợp, sự bướng bỉnh là cách để trẻ khẳng định sự tự do khi làm hoặc không làm điều gì đó.
– Một nguyên nhân khác đến từ việc mình luôn ép buộc trẻ làm những điều mà bé không thích. Lâu dần trẻ trở nên thờ ơ với các yêu càu từ bạn, đồng thời thể hiện thái độ chống đối bằng cách ngồi im, không trả lời lại.
– Sự phớt lờ, không phản ứng từ trẻ đến từ việc bé đang đối mặt với hội chứng rối nhiễu tâm lý. Trường hợp này bạn nên bàn bạc với bố mẹ của trẻ để tìm hướng giải quyết
Phương pháp dạy trẻ lì lợm:
Đặt mình vào vị trí của trẻ:
Người lớn chúng ta cũng đã từng tỏ thái độ chống đối bướng bỉnh giống các đứa trẻ vì mỗi người đều phải trải qua giai đoạn này. Nên nếu trẻ tỏ thái độ, bạn đừng vội tức giận, hãy đặt bản thân mình vào vị trí của trẻ để xem xét. Có thể đối với suy nghĩ của người lớn thì đây là sự bướng bỉnh, không nghe lời, nhưng nhìn ở góc độ của các bé, thì đây cũng chỉ là những suy nghĩ non nớt, chưa hiểu rõ bản thân và chưa được hướng dẫn đúng đắn. Vì thế hãy từ từ xem xét vấn đề của trẻ theo góc nhìn của người lớn và cả trẻ con để bạn giúp bé giải quyết vấn đề theo hướng tích cực.
Cho trẻ các lựa chọn khi trẻ bắt đầu thể hiện sự cứng đầu:
Làm cho một đứa trẻ bướng bỉnh mất tập trung là cách để trẻ quên đi các đòi hỏi của mình. Do đó nếu trẻ từ chối các yêu cầu của bạn, hãy đưa ra cho bé một vài lựa chọn.
Thay vì bạn đưa mệnh lệnh “làm bài tâp nào”, “con hãy dừng chơi game lại”, hãy thử cho trẻ lựa chọn “ sau khi làm bài tập xong, con muốn chơi game hay muốn cô đọc truyện cùng con?…”. Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm thấy ý kiến của mình có giá trị và cả cô và trò có thể dễ dàng thỏa thuận hơn.
Tạo bầu không khí yêu thương, trang trọng:
Trẻ con thường không thích và cảm thấy sợ khi bị mắng, đối với các đứa trẻ bướng bỉnh thì chúng sẽ càng tỏ thái độ chống đối hơn. Nên hãy biến buổi dạy học của bạn thành một không gian thoải mái, vui vẻ. Tạo ra bầu không khí yêu thương nhưng không thể thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, thấu hiểu và tình cảm. Kỷ luật là một điều cần thiết trong buổi học nhưng bạn hãy làm điều đó với sự trìu mến chứ đừng ép buộc trẻ quá mức. Thay vào đó, bạn hãy cùng trẻ đặt ra những quy tắc và thuyết phục học trò của mình hiểu được tầm quan trọng của các quy tắc đặt ra.
Uốn nắn từ từ:
Sẽ có đôi lúc trẻ sẽ tỏ thái độ chống đối, sau khi trẻ bình tĩnh lại, đây là lúc bạn giải thích kỹ càng cho bé. Thỉnh thoảng bạn hãy để cho bé làm theo ý thích của mình, cũng như không cần phải buộc trẻ làm những điều không thích. Sau khi bé thỏa mãn được mong muốn , bạn hãy nhẹ nhàng giải thích và khuyên nhủ để bé từ từ thay đổi.
Tuyệt đối không tranh luận gay gắt, quát mắng:
Điều tối kỵ khi dạy trẻ nhỏ bất luận là trẻ ngoan hay bướng bỉnh là không được la mắng gay gắt hay có hành động đánh đòn. Khi bé bắt đầu tỏ thái độ, đó không phải là thời điểm thích hợp để tranh luận với bé vì bé sẽ không nghe lời , trở nên cứng đầu khó dạy bảo hơn và có thể sẽ không còn tôn trọng bạn nữa. Khi trẻ đã sẵn sàng lắng nghe thì bạn hãy khuyên bảo sau. Quan sát các bé, cố gắng xác định điều gì khiến bé khó chịu và bình tĩnh kiểm soát tình hình.
Tóm lại, mỗi đứa trẻ đều trải qua giai đoạn cứng đầu, khó dạy bảo như thế này thì mới lớn lên và trưởng thành được. Vì nhờ giai đoạn này và khi được dạy dỗ đúng đắn, trẻ sẽ nhận ra được lỗi sai của mình và tự giác thay đổi. Điều quan trọng là bạn phải hiểu được tâm lý ở trẻ và nhẹ nhàng nói chuyện tìm hiểu thì mình sẽ nắm được tính cách của bé mà có phương pháp dạy dỗ đúng đắn.