Đối với quan điểm của phụ huynh Việt Nam, khi bắt đầu vào cấp 1 muốn con học tập tốt hơn, thì nên cho trẻ học chữ từ lúc 5 tuổi, là ở giai đoạn mầm non. Phụ huynh muốn con biết đọc và viết trước để con tập làm quen với bảng chữ cái và không sợ bị thua thiệt với các bạn khác.
Nếu là một gia sư cho các bé lớp 5 học chữ, mà bạn vẫn còn phân vân không biết dạy sao hco trẻ hiểu. Thì dưới đây là một số phương pháp hướng dẫn trẻ 5 tuổi học chữ mà bạn có thể tham khảo.
Cột mốc phát triển ngôn ngữ ở trẻ 5 tuổi:
Học ngôn ngữ là học kéo dài cả đời với quá trình phức tạp. Gia sư nên hiểu qua những cột mốc phát triển ngôn ngữ ở từng độ tuổi để dạy bé học chữ có hiệu quả hơn. Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ riêng biệt, ví dụ 1 tuổi trẻ sẽ bập bẹ nói và nhận diện được mặt chữ vào 3 tuổi rưỡi. Đến cột mốc 5 tuổi, trẻ đang dần phát triển về bộ não nên hầu hết các bé sẽ có thể:
– Biết lắng nghe và hiểu được lời nói của mọi người xung quanh
– Hiểu và có thể đưa nhận xét, câu hỏi về sách truyện mà các bé được nghe kể
– Ghi nhớ và kể lại câu chuyện đơn giản
– Ghi nhớ được rất nhiều từ, một số câu ngắn và hiểu nghĩa của nó
– Biết giải thích và đặt câu hỏi
– Biết viết các chữ cái và một số từ ngắn
– Biết nào các câu xã giao mà không cần người lớn nhắc, ví dụ như xin chào, cảm ơn, xin lỗi, ạ, …
Cách dạy trẻ học chữ cái:
Bước 1: Học thuộc bảng chữ cái
Điều đầu tiên để học được chữ chính là học thuộc bảng chữ cái. Học tiếng Anh thì cho bé học bảng chữ cái tiếng Anh, tiếng Việt thì cho bé học bảng chữ cái tiếng Việt. Khi trẻ 3 tuổi, bé đã được làm quen với các chữ cái nhưng chỉ một ít, chữ nhớ chữ không. Nhưng khi trẻ 5 tuổi, bạn hãy dạy bé cả bảng chữ cái hoàn chỉnh. Cả chữ cái thường lẫn chữ in hoa.
Trẻ 5 – 6 tuổi thường sẽ không ghi nhớ lâu được và ngữ âm chưa chuẩn, nhưng lại tiếp thu kiến thức tốt và nhanh, cho nên bạn đừng lo lắng vì đây là điều phổ biến ở lứa tuổi này. Bạn hãy kiên trì nhắc bé đọc thường xuyên và sửa lỗi cho trẻ để bé đọc sao cho đúng.
Bước 2: Tạo môi trường học tập cho trẻ
Ở lứa tuổi năng động, trẻ luôn thích những điều mới mẻ, được chuẩn bị một góc học tập riêng sẽ làm bé rất hào hứng và ham học hơn. Đa số trẻ em sẽ bị thu hút và hứng thú hơn bởi một bộ dụng cụ học tập đầy đủ với đa màu sắc và thú vị.
Khi học, bạn cần lưu ý cho trẻ tránh xa những thiết bị điện tử như ti vi, máy tính, điện thoại, vì sẽ làm phiền đến giờ học và sự tập trung của trẻ.
Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý thời gian học của trẻ, một buổi học 2 tiếng thì không cần cho trẻ học hết 2 tiếng mà hãy dành ra nhiều khoảng thời gian giải lao để các bé không cảm thấy áp lực vì bài vở. Dù gì ở độ tuổi này, trẻ vẫn còn ham chơi, dễ mất tập trung và không thích ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Bước 3: Tập viết các chữ cái
Bạn có thể cho bé học thuộc hết mặt chữ trước rồi tập viết sau. Tập viết chữ sẽ giúp trẻ ghi nhớ mặt chữ lâu hơn vì tự mình viết ra chữ đó. Bạn hãy viết một chữ mẫu để bé nhìn theo viết lại. Ban đầu có thể trẻ viết còn nguệch ngoạc vì tay còn cứng và chưa quen cầm bút, vì thế bạn có thể hỗ trợ bé qua các cuốn tập luyện viết theo nét có sẵn để bé quen tay.
Với trẻ 5 tuổi, ban đầu bạn hãy cho con viết tự do trên giấy, dùng bút màu, bút to để bé dễ cầm. Về sau khi trẻ đã quen với bút thì hãy thay bằng bút chì và rèn cho bé viết theo hàng, viết chậm lại và nắn nót hơn.
Bước 4: Học chữ qua đọc sách hoặc qua trò chơi
Được nghe kể chuyện, đọc sách chính là cách hiệu quả khi học chữ. Khi bé được nghe đọc sách, qua đó con sẽ học được cách phát âm của các con chữ. Đặc biệt với mỗi câu truyện đơn giản, trẻ sẽ được rèn luyện khả năng ghi nhớ nội dung và kể lại, rèn khả năng tư duy để đặt câu hỏi.
Ngoài nghe đọc sách, bạn có thể kết hợp học chữ qua các trò chơi để thay đổi cách học giúp trẻ thích thú hơn. Có nhiều trò chơi giúp ích cho việc học chữ như: hát bài hát về bảng chữ cái, trò lắp chữ cái vào bảng, trò đưa thư chữ cái, ….
Bước 5: Liên kết chữ cái với môi trường xung quanh
Ngoài việc học trong sách vở, bạn nên liên hệ các chữ cái với môi trường xung quanh trẻ để trẻ cảm thấy quen thuộc và tiếp thu nhanh hơn. Bạn có thể tìm các biển hiệu hoặc các dòng thông báo với chữ to rõ để bé nhận diện mặt chữ và đọc được. Qua đó, bé sẽ nhớ từ tốt hơn và dần học được các từ nhanh hơn.